#247 GIẢI ĐÁP MỘT VÀI THẮC MẮC VỀ VITAMIN C
4/28/2020
Xin chào các bạn!
Vitamin C là thành phần dưỡng da đã quá quen thuộc với khả năng làm sáng da, chống lão hóa. Tuy nhiên mỗi lần nhắc đến sản phẩm chứa vitamin C, Bánh bèo lại nhận được rất nhiều câu hỏi liên quan. Vậy nên hôm nay mình xin được tổng hợp và giải đáp những thắc mắc phổ biến nhất để mọi người cùng hiểu rõ hơn nhé.
1. Dùng vitamin C một thời gian dài khiến da bị nhờn, không còn thấy hiệu quả nữa?
Câu hỏi này cũng tương tự với các thành phần/sản phẩm khác. Việc da bị "nhờn" mỹ phẩm là đánh giá cảm tính của mỗi cá nhân. Mỗi loại da và mỗi sản phẩm có ngưỡng của nó. Bạn dưỡng hoài theo cùng 1 phương pháp thì da sẽ đẹp đến ngưỡng đó mà thôi Thử ví dụ nhé: da bạn đang ở level 0, mỹ phẩm đưa da lên level 5 thì hiệu quả rõ rệt nhìn thấy ngay. Nhưng ngưỡng của da và của sản phẩm chỉ đến level 5, thì đó là duy-trì-hiệu-quả hay là bị-nhờn-mỹ-phẩm?
2. Vitamin C gây mụn?
Đây là câu hỏi to đùng thường gặp nhất lun nè. Mình xin khẳng định luôn, vitamin C không có khả năng trực tiếp gây mụn trên một nền da khỏe mạnh.
Nhưng nó là một hoạt chất mạnh, không may có mặt cùng lúc với nhiều yếu tố khác, thiên thời - địa lợi - nhân hòa và boom, mụn banh mặt, vitamin C chịu tiếng oan. Vậy các yếu tố nguy cơ khác đó là gì?
- Sức chống chịu của da là yếu tố tiên quyết. Vitamin C hoạt động ở pH thấp, và hầu hết ai cũng chọn nồng độ cao để sử dụng, nếu nền da không khỏe, đang khô, mỏng, dễ kích ứng, ẩn chứa ổ viêm và vi khuẩn, lại bị "chọc tức" bởi vitamin C thì rất dễ bùng phát mụn
=> Cách khắc phục:
+ Đệm thêm vào routine các sản phẩm làm dịu da, làm khỏe da
+ Tránh bôi vitamin C vào vùng mụn, vùng da nhạy cảm
- Vitamin C kết hợp cùng các chất chưa thực sự phù hợp với tình trạng da. Ví dụ bạn chọn sản phẩm có công thức vàng vitamin C + vitamin E + Ferulic Acid để tối ưu hiệu quả, nhưng da bạn dầu, LCL bí tắc bã nhờn thì vô tình vitamin E với kết cấu dày, ẩm sẽ càng làm cho tình trạng LCL nặng nề hơn, nguy cơ mụn vì thế cũng cao hơn
=> Cách khắc phục: Lựa chọn vitamin C ở dạng thức, kết cấu phù hợp, kết hợp khéo léo với các thành phần khác (mình sẽ nói ở phần dưới nghen)
- Cuối cùng, có thể bạn sử dụng vitamin C đã bị ô-xi hóa, nó không chỉ bị mất tác dụng mà cũng là một nguy cơ gây kích ứng cho da.
=> Cách khắc phục: Nếu vitamin C serum đã chuyển sang màu vàng sẫm hoặc nâu cánh gián thì nên dứt khoát bỏ, còn nếu vitamin C màu vàng thì có thể bôi ở những vùng ít quan trọng như cổ chẳng hạn ;)
3. Serum vitamin C bị ô xi hóa có dùng được không?
Như trên, bạn vẫn dùng được, chỉ cần cẩn thận với các nguy cơ thôi.
=> Xem thêm: Cách bảo quản vitamin C serum
4. Vitamin C nồng độ càng cao thì càng có hiệu quả?
Vitamin C hoạt động hiệu quả ở nồng độ tối đa là 20%, tức là dù tỷ lệ thành phần có cao hơn, thì hiệu quả maximum cũng chỉ như là 20% thui nha.
Tuy nhiên, vẫn giống như các chất khác, vitamin C nồng độ cao hơn không có nghĩa là hiệu quả mạnh hơn, mà chỉ là hiệu quả nhanh hơn thôi. Nồng độ cao cũng đi kèm với nguy cơ châm chích, kích ứng, kết cấu đặc hơn, nhanh bị ô-xi hóa hơn. Các bạn nhớ cân nhắc trade off nha ;)
5. Vitamin C nên dùng cùng chất gì cho hiệu quả mờ thâm, sáng da?
- Kết hợp với các chất chống lão hóa: Mặc dù bản thân nó thì nhanh già nhưng vitamin C lại chống già cho da rất siêu. Vậy tại sao chúng ta không boost khả năng đó lên 1 tầm cao mới cùng các chất chống ô-xi hóa mạnh khác như CoQ10, Glucosamine ...
Đừng quên công thức vàng: 15% vitamin C + 1% vitamin E + 0.5% Ferulic Acid giúp tăng khả năng chống nắng gấp 8 lần so với dùng riêng vitamin C (đọc thêm ở đây)
- Kết hợp với các chất làm sáng da: Lại là một tài năng khác của vitamin C là giúp giảm hắc tố, đều màu da, giảm thâm, nám, sạm (chúng ta thường mê nhất khả năng này nè). Cũng như trên, kết hợp chúng với Niacinamide, Arbutin, Glutathione ...
=> Xem thêm: Các chất làm sáng da
- Kết hợp với chất làm dịu da: Vì vitamin C ẩn chứa không ít nguy cơ nên nếu da bạn yếu, hãy kết hợp với các sản phẩm có khả năng làm dịu, kháng viêm, phục hồi như là lô hội, cúc La Mã, rau má, ngải cứu, vitamin B5, peptides, keo ong, dịch ốc sên ... để phòng bị cho da nhé
- Đặc biệt luôn nhớ dùng kem chống nắng đầy đủ khi routine của bạn có vitamin C nha
6. Nên tránh dùng vitamin C cùng chất gì?
- Nên tránh dùng với các loại treatment có khả năng gây kích ứng cho da yếu như acids, retinoids, hydroquione ... Tuy nhiên nếu da bạn khỏe thì vẫn có thể thử, miễn là patch test hoặc dùng cách ngày/cách buổi
- Có nghiên cứu nào đó (quên dòi) chỉ ra rằng vitamin C không nên dùng chung với Đồng peptide vì nó sẽ làm giảm hiệu quả của Đồng peptide
7. Lựa chọn vitamin C dạng nào cho từng loại da?
Hiện tại trên thị trường có vô vàn loại dẫn xuất của vitamin C ứng dụng trong mỹ phẩm (đọc thêm chi tiết ở đây) nhưng mình sẽ chỉ nêu ra vài ví dụ phổ biến để các bạn dễ áp dụng thui nha:
- Da mụn: Sodium Ascobyl Phosphate (SAP) khá ổn định, không đòi hỏi pH quá thấp, nồng độ thích hợp là từ 1-10% nếu mụn không quá dày đặc, còn mụn nặng thì bạn nên tập trung trị mụn dứt điểm rồi trị thâm cũng chưa muộn nhé
=> Gợi ý sản phẩm:
+ NEOGEN - Dermalogy Real Vita C Serum (22% SAP + Niacinamide)
+ Mad Hippie Vitamin C Serum (10% SAP)
+ HABA White Lady (6% SAP)
- Da nhạy cảm: Magnesium Ascobyl Phosphate (MAP) cũng rất ổn định, không gây kích ứng cho da ngay cả khi dùng ở nồng độ cao 10-20%, dùng được cả cho bà bầu.
=> Gợi ý sản phẩm:
+ Dr. Wu Intensive Whitening Serum With Vitamin C+
+ Andalou Naturals - Vitamin C Turmeric + C Enlighten Serum
- Da không đều màu, nám, sạm, da dầu: LAA (L-Ascorbic Acid) là vitamin C nguyên chất, thẩm thấu nhanh, tác dụng mạnh, chỉ từ nồng độ 3-5% đã chống lão hóa, từ 10% giúp tăng sinh collagen, ngăn ngừa hắc tố melanin. Hoặc là gần đây có thêm dẫn xuất Ascorbyl Glucoside (AA-2G) cũng là 1 loại vitamin C ổn định và hiệu quả. Các sản phẩm dành cho da dầu nên có thêm chút cồn để nhanh thấm và thấm sâu hơn ;)
=> Gợi ý sản phẩm:
+ SkinCeuticals C E Ferulic Serum (15% LAA)
+ Paula Choice's RESIST C15 Super Booster (15% LAA)
+ Drunk Elephant C-Firma Day Serum (15% LAA)
+ Obagi Professional-C Serum (15% LAA + AA-2G) (Review)
+ Kiehl’s Powerful Strength Line-Reducing Concentrate (10.5% LAA)
+ La Roche Posay Pure vitamin C 10 (10% LAA)
+ Purito Pure Vitamin C Serum (5% LAA)
- Da khô, lão hóa: SAP hoặc Tetrahexyldecyl Ascorbate hoặc các dạng vitamin C ester vì nhanh thẩm thấu, ít kích ứng. Nên dùng kết hợp với vitamin E để tăng hiệu quả dưỡng ẩm và chống lão hóa.
=> Gợi ý sản phẩm:
+ Timeless 20% C + E + Ferulic Acid Serum (công thức thần thánh 20% vitamin C+ 1% vitamin E + 0.8% Ferulic Acid)
8. Dùng vitamin C bị sạm da, xuống tông?
Đúng, đây là sự thật. Hiện tượng này xảy ra khi Ascorbic Acid bị ô-xi hóa thành Erythrulose, quá trình này tên là phản ứng Mailard (nguồn), cũng khá lằng nhằng nên mình sẽ tóm tắt ngắn gọn như này nhé:
Vitamin C -> Dehydroascorbic acid (chính là vitamin C bị cũ ngả nâu í) -> 2,3- diketogulonic acid -> Erythrulose (+ tế bào chết) -> Melanoidins (là lớp cháy nắng giả bám trên bề mặt da)
Đây là lý do vì sao dùng vitamin C xong cuối ngày da xuống tông, tẩy trang thấy bông vàng, dùng lâu dài chưa thấy sáng da mà chỉ thấy sạm hơn.
=> Cách khắc phục:
- Dùng vitamin C công thức tốt: chứa chất chống ô-xi hóa (chống cho da và chống cho bản thân cả vitamin C đó lun) hoặc chứa chất hỗ trợ thẩm thấu giúp vitamin C không bị đọng lại trên bề mặt da quá nhiều (cồn chẳng hạn)
- Dùng kết hợp tẩy da chết trong routine để nhanh "cào" cái lớp thịt cháy xém này đi
- Chờ đợi quá trình thay da tự nhiên =)))
----------------
Sơ sơ thì Bánh Bèo mới tổng hợp được các câu hỏi như trên, hi vọng đã giải đáp được thắc mắc của các bạn. Nếu còn băn khoăn gì khác, các bạn đừng ngại comment bên dưới nha. Cảm ơn mọi người đã đọc bài viết <3
xoxoxoxoxoxoxoxoxoxoxoxoxoxo
Bánh bèo phù phiếm
Email: banhbeophuphiem@gmail.com
Facebook: https://www.facebook.com/banhbeophuphiem
Instagram: @banhbeophuphiem
0 nhận xét