Trong suốt nhiều năm về trước, mình từng yêu sách và rất say mê đọc sách. Nhưng khi trưởng thành, thiếu thốn thời gian, công việc áp lực, sự cuốn hút từ các phương tiện giải trí điện tử khiến thói quen này dần bị xao lãng và mai một. Chưa nói đến những giá trị tri thức mà sách mang lại, ít nhất khi chúng ta ngồi yên lặng, chăm chú theo dõi những con chữ, cũng là khoảng thời gian để tâm trí được tĩnh lại, tạm quên đi những ồn ào, xáo động bên ngoài.
Chẳng dễ dàng gì để “kích hoạt” lại thói quen bị ngủ quên ấy. Hãy bắt đầu bằng những cuốn sách nhỏ gọn, dễ dàng mang theo bất cứ đâu để bạn có thể tranh thủ đọc khi chờ xe, chờ đồ ăn, chờ bạn. Nội dung cần thiết thực, đời thường, không quá cao siêu như sách khoa học viễn tưởng khiến bạn cảm thấy hack não, đọc được vài chữ là mắt díp lại, đừng quá dài dòng đòi hỏi sự tập trung cao độ như tiểu thuyết trinh thám. Tốt hơn là sách được trình bày khúc chiết, chia thành những bài/mục nhỏ để nếu có nhỡ đọc ngắt quãng cũng có thể tiếp nối ngay được. Mạch cảm xúc của sách nên nhẹ nhàng, từ tốn, chứ lâm li bi đát như ngôn tình rồi lại lậm vào thì hỏng bét. Và cuối cùng, nếu có hình ảnh minh họa nữa thì thời gian đọc sách của bạn tuy ngắn ngủi nhưng sẽ rất thư giãn, thú vị, đủ để bạn mong ngóng đọc nhiều hơn nữa đấy ;)
Phù, chừng đó có nhiều tiêu chí quá không nhỉ? Đừng lo, Bánh bèo sẽ giới thiệu cho bạn 3 đầu sách đã giúp tìm lại thói quen đọc ngay đây ;)
1. Muốn ít đi, hạnh phúc nhiều hơn
Lang thang trên Tiki, mình vô tình bắt gặp và rất tò mò khi thấy tựa sách giống như 1 dạng self- help, nhưng tới khi cầm tận tay thì mình mới vỡ lẽ đó là về cách bài trí đồ đạc trong nhà, và xa hơn nữa là về lối sống tối giản. Đây chính xác là cuốn sách “khởi động lại” không chỉ bộ não mà còn là lối sống của mình.
Tác giả của cuốn sách là một người phụ nữ, một người mẹ của 3 đứa trẻ ở 3 độ tuổi khác nhau nên những trải nghiệm của cô về việc sắp xếp đồ đạc cũng vô cùng đa dạng và thiết thực. Cộng thêm việc gia đình thường xuyên chuyển chỗ ở, việc tinh giản đồ đạc là bí kíp để cuộc sống của cô được nhẹ nhàng, dễ chịu hơn.“Muốn ít đi, hạnh phúc nhiều hơn” là một bước nhỏ ban đầu nhưng vô cùng quan trọng đưa mình tiếp cận với lối sống tối giản
Ảnh: mucmocmeo.wordpress.com |
Người mẹ ấy ghi lại rất tỉ mỉ những tips bố trí cuộc sống mà cô đã tìm tòi và áp dụng thành công trong chính gia đình mình. Bạn có thể học được rất nhiều từ việc phối hợp màu sắc, kiểu dáng nội thất cho phòng khách, cách sắp xếp những thứ dụng cụ nhà bếp lặt vặt sao cho thật ngăn nắp mà vẫn tiện lợi, cách lựa chọn và bảo quản những món đồ thời trang như giày, túi xách luôn là mối bận tâm của phụ nữ, hay thậm chí là cách "đối phó" với bộ sưu tập đồ chơi đồ sộ, quý báu nhưng hiếm khi gọn gàng của lũ trẻ. Nhưng “Muốn ít đi, hạnh phúc nhiều hơn” không đơn thuần là cuốn sách về nghệ thuật sắp đặt. Lật giở từng trang sách, những quan điểm về cuộc sống gia đình, hay những khái niệm thuần chất nhất của lối sống tối giản cũng sẽ dần len lỏi vào tâm trí của bạn, chảy róc rách một mạch nguồn thư thái nhưng cũng không kém phần lôi cuốn, thôi thúc bạn khám phá nhiều hơn. Tin mình đi, sau cuốn này, bạn sẽ bị “tương tư” sách mất thôi ;)
Cuốn sách “Muốn ít đi, hạnh phúc nhiều hơn” khá mỏng, nhiều hình ảnh in màu chân thực nên đọc không bị mệt, giá 62k nhé.
2. Nước Nhật nhìn từ những thứ bình thường
Một cuốn sách bình dị như chính cái tên của nó.
Cuốn sách là tập hợp những mẩu truyện nho nhỏ của một thầy giáo lịch sử người Việt trong thời gian sinh sống ở Nhật. Từ đó Nhật bản hiện lên giản dị hơn, gần gũi hơn từ những điều nhỏ bé, thường nhật, khác với những điều to tát, vĩ mô trên báo đài. Lăng kính ấy cũng chân thực tới nỗi chúng ta sẽ học được cách chấp nhận cả những chi tiết chưa hoàn hảo, giống như cách mà người Nhật đối diện với quá khứ lịch sử, hay cách họ tôn vinh “người bình thường làm được những điều bình thường…”
Dưới góc nhìn của một người nước ngoài, nhưng đặc biệt hơn là một nhà giáo, chúng ta sẽ được tiếp cận gần hơn với nền giáo dục của Nhật bản. Giá trị nào của con người cần được lưu tâm? Kỹ năng nào của đứa trẻ cần được rèn luyện? Những ai có vai trò và phải chịu trách nhiệm về giáo dục? Câu hỏi tưởng chừng như lớn lao, hóa ra lại được trả lời thật nhỏ nhẹ qua từng câu chữ thấm thía.
Không hề đao to búa lớn, cũng chẳng cường điệu, thậm xưng, lời văn của tác giả như những lời kể mộc mạc của một người bạn phương xa đang kể về những điều mắt thấy tai nghe, đầy lạ lẫm và phấn khích những cũng thật chân thành, nồng hậu.
3. Không nổi tiếng cũng đâu có sao!
Ảnh: Vietnamnet |
Mình thực sự may mắn lắm lắm khi gặp được cuốn sách quý này.
Tựa sách “Không nổi tiếng cũng đâu có sao!” được tác giả mượn ý từ tiêu đề bài viết: “You’ll Never Be Famous- And That’s O.K.” của bà Emily Esfahani Smith - một chuyên gia tâm lý có tiếng. Nguyên bản bài viết chỉ ra vấn đề về giới trẻ Mỹ hiện nay, với nhiều hoài bão, khát khao đạt những thành tựu lớn lao, đang dần trở nên khắt khe với chính bản thân mình, phủ nhận những giá trị đơn thuần và quá “háo” danh vọng.
Thừa nhận đi, đã bao giờ bạn theo dõi trang cá nhân ngập tràn những hình ảnh xinh đẹp, giàu sang của những người nổi tiếng, nhưng hot girl, hot boy trên mạng mà thở dài cái thượt "Sướng thật! Không biết bao giờ mình mới được như vậy" hay thậm chí là sôi sục ghen tị buông lời mỉa mai "Toàn lũ ăn trắng mặc trơn"?
Thực lòng đây là tình trạng chung của những người trẻ, bao gồm cả mình. Thế hệ Millennials có trong tay nhiều vũ khí sắc bén như “kỹ năng”, “giáo dục”, “sự ủng hộ của xã hội” hay “bệ đỡ cha mẹ” luôn hừng hực khao khát chinh phục và thể hiện bản thân. Nhưng đời không như là mơ, khi bạn vẫn đang đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời, loay hoay khám phá và khẳng định bản thân thì sự thành công của những bạn cùng trang lứa cứ phấp phới trước mặt khiến bạn đuổi theo hụt hơi, những cuộc đời hoàn hảo trên báo chí hay social media cứ như cơn ác mộng đầy ám ảnh choán lấy tâm trí khiến mình ngạt thở vì ghen tị và thèm khát. Chính tác giả Lương Nguyễn An Điền – một nhà báo đạt nhiều thành công trong làng báo chí quốc tế cũng đã từng phải đối mặt với kỳ vọng của những người xung quanh, vô hình trung trở thành áp lực đè nặng lên đôi vai.
Tới với “Không nổi tiếng cũng đâu có sao!”, nhà báo An Điền như đã mang tới cho chúng ta định nghĩa hoàn toàn khác về một con người có giá trị, hay thành tựu cốt lõi của một cuộc đời: “Cuộc sống có ý nghĩa nhất, không phải là cuộc đời kiệt xuất phi thường, đó là những cuộc đời bình thường nhưng đầy tư cách, lòng tự trọng và phẩm giá". Cuốn sách vỏn vọn 91 trang, chia làm 3 chương với 15 mẩu truyện mà chính bản thân tác giả đã trải nghiệm, nhưng thú vị và cuốn hút đến mức mình đọc không dừng. Giọng văn tưng tửng, không lên gân cốt, nhưng lại vô cùng thấm thía, khiến mình tâm đắc từng câu từng chữ. Hóa ra hành trình khám phá bản thân cũng song song với hành trình chấp nhận bản ngã. Hóa ra chấp nhận mình cũng là chấp nhận người khác. Hóa ra những thứ lớn lao luôn bắt đầu từ những điều bình dị.
Không hề cổ súy cho lối sống bình chân, ỉ lại, thiếu chí tiến thủ, cũng không rao giảng đạo đức cao sang, cuốn sách là cái vỗ vai thân tình của một người anh, người tiền bối đi trước, giúp chúng ta bình tâm nhìn nhận lại mình.
Cùng với “Nếu biết trăm năm là hữu hạn” của Phạm Lữ Ân, thì “Không nổi tiếng cũng đâu có sao”- Lương Nguyễn An Điền chính là một trong những cuốn sách có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến quan điểm sống cá nhân của mình. Vậy nên mình tha thiết mong các bạn hãy tìm đọc để có thêm nhiều góc độ quan sát cuộc sống bên ngoài cũng như khám phá thế giới nội tâm bên trong của chính mình nhé ;)
xoxoxoxoxoxoxoxoxoxoxoxoxoxo
Bánh bèo phù phiếm
Email: banhbeophuphiem@gmail.com
Facebook: https://www.facebook.com/banhbeophuphiem
Instagram: @banhbeophuphiem