#176 Hút ẩm hay khóa ẩm, có phải là vấn đề???
8/09/2018
Xin chào các bạn!
Hôm nay cô bạn thân có nhờ mình gợi ý cho 1 loại kem KHÓA ẨM, mà chỉ nghe đến 2 chữ đó thôi mình đã muốn tức điên lên. Cơn giận càng bùng nổ hơn khi lượn qua các group làm đẹp, người ta sử dụng tràn lan 2 khái niệm “khóa ẩm” và “hút ẩm”, thậm chí khăng khăng phân biệt nó dù mới chỉ nghe phong thanh và không hiểu bản chất.
Vậy “khóa ấm” và “hút ẩm” đúng hay sai?
Không đúng cũng chẳng sai !!!
Để mình giải thích ngắn gọn lại nhé. Các thành phần dưỡng ẩm hoạt động theo 3 cách như sau:
- Nhóm humectants: giống như miếng bọt biển hút nước xung quanh làm ướt chính nó, chạm vào nó là ẩm luôn -> dân gian gọi là “hút ẩm”.
- Nhóm occlusives: giống như tấm nilon bọc bên ngoài giúp nước không bốc hơi, không bị khô á -> thường được gọi là “khóa ẩm”
- Nhóm emollients: là con lai giữa humectants và occlusives vừa xen kẽ, thâm nhập vừa bao bọc bên ngoài
Chi tiết mời các bạn đọc lại bài viết này: LINK
Như vậy, “khóa ẩm” hay “hút ẩm” không quyết định bản chất , chỉ đơn giản là cơ chế làm việc của các thành phần có trong 1 sản phẩm mà thôi.
1. Hút ẩm hay khóa ẩm, không quan trọng bằng thành phần bên trong
Bởi thực tế, không có sản phẩm dưỡng ẩm hiệu quả nào chỉ chứa duy nhất môt/một nhóm thành phần hoạt động . Ví thử như Vaseline, đây là mình chứng rõ rệt của cái gọi là “kem khóa ẩm” vì nó chỉ chứa duy nhất petrolatum. Nhưng hãy tưởng tượng bạn bôi Vaseline lên mặt mỗi lần sáng tối xem có kinh khủng không (À không kể vết thương hở và những trường hợp bệnh lý ngoài da nhé). Kem dưỡng ẩm hiệu quả thường vận dụng khéo léo cả 3 cơ chế kia, công thủ lien hoàn để đem lại hiệu quả cao nhất cho da. Vậy nên đừng chăm chăm đi tìm sản phẩm theo tên gọi, hãy nhìn bảng thành phần để xem nó hoạt động ra sao nhé.
2. Hút ẩm hay khóa ẩm, kết cấu quyết định thứ tự sản phẩm
Còn nếu bạn chưa thạo đọc bảng thành phần, có thể phỏng đoán chức năng của một sản phẩm dưỡng ẩm dựa trên kết cấu của nó. Kết cấu càng lỏng, mềm, thứ tự sử dụng càng gần da (toner, lotion, serum…) càng chứa nhiều humectants. Sản phẩm nào bôi lên mà mượt như lụa là, không dính, không rít thì chắc hẳn chứa emollients không ít. Còn đặc sệt occlusives á, đảm bảo là keo dính, bết rệt, bí bách lắm luôn (trừ facial oil, haha). Bạn nào da khô mà khôn ra thì layer theo thứ tự kể trên là đảm bảo da bao đẹp bao ẩm nè.
3. Hút ẩm hay khóa ẩm, không quan trọng bằng việc da thực sự cần gì
Mình luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc dưỡng ẩm. Bởi da đủ ẩm mới khỏe. Da khỏe mới đẹp. Nhưng quyết định dưỡng ẩm như thế nào phụ thuộc rất lớn vào tình trạng da lúc đó. Nếu da bạn đang mụn nhiều, chỉ cần đừng khiến da khô them bằng các sản phẩm tẩy rửa quá đà, tập trung trị mụn xong đã. Còn nếu da bạn đang khô nứt nẻ, thì đừng ngại đắp thật nhiều sản phẩm dưỡng ẩm vào nhé.
Cuối cùng, xin đừng thần thánh hóa hay quá kỳ vọng vào 1 sản phẩm thuần dưỡng ẩm, để rồi mắng nó là “vô thưởng vô phạt” khi nó đang làm đúng chức năng duy nhất của mình. Dưỡng ẩm là tất cả, nhưng cũng chẳng là gì cả nếu bạn không “đồng bộ hóa” các bước dưỡng da cơ bản. Da phải đủ sạch để hấp thụ, đủ ẩm để “vận hành”, tái tạo và đủ các lớp bảo vệ để bao công chăm sóc không đổ sông đổ bể. Hãy nhớ ba chân kiềng quan trọng để có 1 làn da khỏe đẹp này.
Bánh bèo phù phiếm
Email: banhbeophuphiem@gmail.com
Facebook: https://www.facebook.com/banhbeophuphiem
Instagram: @banhbeophuphiem
0 nhận xét