#130 DỤNG CỤ LÀM SẠCH DA - CHỌN SAO CHO HỢP?

5/09/2017

Xin chào các bạn!

Về tầm quan trọng của việc làm sạch da, có lẽ mình không cần phải nhắc đi nhắc lại nữa, vì ai cũng hiểu rằng, da có sạch thì mới khỏe, mới hấp thụ được skincare, mới đẹp được. Mặc dù các bạn có thể dùng các sản phẩm tẩy da chết hóa học, nhưng cũng không thể phủ nhận sự hỗ trợ của các công cụ, máy móc trong việc đẩy mạnh quá trình "dọn dẹp" các chất cặn bã ra khỏi bề mặt da. Nhưng công nghệ càng cao thì càng phức tạp và tốn kém. Bài viết hôm nay sẽ đưa ra vài tiêu chí để bạn lựa chọn cho mình một cách thức làm sạch da phù hợp nhé



DỤNG CỤ LÀM SẠCH DA CÓ THỰC SỰ CẦN THIẾT?

Chưa vội nói đến hiệu quả, những công nghệ cao siêu hay thâm chí là giá tiền của những dụng cụ hỗ trợ việc làm sạch da. Trước khi cân nhắc xem mình có cần đến những thiết bị đó không, cần ở mức độ nào, bạn cần xác định được 3 yếu tố sau:

1. Độ khỏe của da

Về cơ bản thì ngoài việc loại bỏ bụi bẩn, cặn trang điểm, dầu thừa ... trên bề mặt cũng như sâu trong LCL thì thao tác làm sạch da còn góp phần loại bỏ lớp tế bào chết ở lớp ngoài cùng, để lộ ra lớp da non căng mịn, tươi trẻ. Chính vì vậy các bạn nên lưu tâm đến độ "khỏe" của da khi thực hiện, bởi dù ít dù nhiều, nhiệm vụ của các dụng cụ làm sạch là tăng ma sát, tăng "bào mòn" cơ học mà. Trả lời những câu hỏi như:

- Da có dễ bị căng rát, ửng đỏ không?
- Da có nhiều nếp nhăn hay lộ mạch máu không?
- Da có đang nhiều mụn và vết tấy đỏ không

Kết hợp với việc quan sát biểu hiện của da khi bạn sử dụng các hình thức làm sạch khác nhau: rửa với nước, scrubing hay peeling ... sẽ giúp bạn ước lượng được mức độ chịu đựng của da khi tiến hành làm sạch bằng dụng cụ.

2. Độ bẩn của da / mức độ làm sạch mong muốn

Bạn cho rằng mình đã tẩy trang rất sạch, nhưng đến khi lau toner bông vẫn chuyển màu? Tương tự như vậy, bạn cho rằng mình đã rửa mặt rất kỹ, nhưng phải đến khi có sự can thiệp của máy móc, dụng cụ, tận hưởng cảm giác "sạch hơn cả sạch" bạn mới ngỡ ngàng vì da đã "bẩn" như thế nào. Chỉ cần nhìn biểu hiện bên ngoài cũng có thể dễ dàng nhận biết da đã được làm sạch triệt để hay chưa: da còn có mụn viêm, mụn ẩn? LCL to, da thô và sần, đổ dầu, xỉn màu ? Da bong tróc, khô mốc? Những dấu hiệu tưởng chừng như đặc trưng của mỗi loại da dầu/khô hóa ra lại nằm ở vấn đề làm sạch.

Vậy còn "mức độ làm sạch mong muốn"? Ai chẳng muốn da được làm sạch triệt để nhất có thể. Tuy nhiên với mỗi loại da, mỗi tình trạng da khác nhau lại có "ngưỡng" làm sạch khác nhau đó nhé. Ví dụ bạn da dầu, chưa từng dưỡng da sẽ cần 1 thiết bị làm sạch nặng đô. Nhưng sau 1 thời gian sử dụng, da đã sạch và đẹp hơn, lúc đó, bạn chỉ cần một dụng cụ rửa mặt nhẹ nhàng, dùng hàng ngày.

3. Mức độ sử dụng thường xuyên

Yếu tố then chốt quyết định hiệu quả của một sản phẩm làm đẹp phụ thuộc rất nhiều vào tần suất sử dụng của chúng. Nên nhớ, việc dưỡng da như cơm ăn nước uống hàng ngày, không thể lơ là. Nhưng không phải ai cũng có nhiều thời gian và sự kiên nhẫn để sử dụng dụng cụ hỗ trợ làm sạch da hàng ngày, kết hợp với tiêu chí độ khỏe và độ "bẩn" của da như mình vừa nói trên, thì đôi khi việc làm dụng các thiết bị lại thành ra "lợi bất cập hại" đấy nhé.

Túm lại, trước khi mua một dụng cụ rửa mặt - làm sạch da nào đó, bạn hãy xem xét 3 yếu tố vừa nêu để cân nhắc. Còn nếu vẫn thấy chưa thể quyết định được thì bạn hãy đọc tiếp phần review nhanh những dụng cụ làm sạch da phổ biến sau đây nhé.

ƯU- NHƯỢC ĐIỂM CỦA CÁC DỤNG CỤ RỬA MẶT

1. Máy rửa mặt đầu chổi cọ



Ưu điểm:
- Rửa sạch cả những làn da "trâu" nhất, hàm lượng công nghệ càng cao thì càng sạch. 
- Đầu cọ linh hoạt với mọi vùng da trên khuôn mặt

* Nhược điểm:
- Quá mạnh so với da khô hoặc da nhạy cảm
- Không có đủ loại đầu cọ đáp ứng đủ cho mọi loại da
- Tốn tiền thay đầu cọ
- (Thường) đắt
- Chỉ da khỏe mới dùng hàng ngày được

* Recommend:
- Đắt tiền: Clarisonic, Clinique
- Trung bình: Olay, IOPE, Innisfree, CleanPOP


2. Máy rửa mặt đầu silicone



* Ưu điểm:
- Rửa sạch nhưng vẫn nhẹ dịu cho da
- Thích hợp cả với da khô, da nhạy cảm
- (Có thể) có mát-xa chống lão hóa / khả năng tự làm sạch của đầu cọ silicone (đối với máy Foreo)
- Không cần thay đầu cọ
- Có thể dùng hàng ngày

* Nhược điểm:
- (Lại vẫn) đắt tiền
- Đầu cọ khó luồn lách vào những vị trí như khóe mũi

Recommend:
- Đắt tiền: Foreo  
- Trung bình: Avu, Halio

Nhân tiện các bạn kêu máy rửa mặt đắt tiền quá, khả năng tài chính chưa cho phép, thì mình nghĩ ngay đến Foreo Play. Máy nhỏ bằng quả trứng, rất tiện cầm tay hay mang theo du lịch. Tất cả đầu cọ hay công nghệ làm sạch đều y chang máy Foreo bản full, lại không cần sạc lích kích. Máy chỉ dùng được 100 lần, nếu mỗi ngày bạn đều rửa mặt 1 lần, tính ra 1 máy có thể dùng trong hơn 3 tháng. Thời gian đó là vừa đủ để da mặt được làm sạch bước đầu, sau đó để duy trì, bạn có thể dùng các dụng cụ khác ít tốn kém hơn. Tính ra thì khá hợp lý đó nha.


 3. Cọ rửa mặt cơ học



Ưu điểm:
- Phổ thông, dễ mua, dễ xài
- Tùy vào độ mềm của lông cọ mà có thể dùng được hàng ngày hoặc dùng cho da nhạy cảm
- Hiệu quả làm sạch không quá đột phá nhưng có thể dùng để duy trì da sạch hàng ngày
- Dùng được với mọi loại da và độ tuổi
- Giá rẻ

Nhược điểm:
- Dễ bẩn, khó làm sạch lông cọ 
- Đối với da dầu nhiều, chưa từng làm sạch da thì cần kiên trì mới thấy hiệu quả rõ rệt
- Không bền
- Nghe có vẻ không sang xịn mịn lắm =))

4. Pad silicone



Cũng tương tự như cọ rửa mặt, pad silicone là phiên bản máy rửa mặt silicon chạy bằng sức người =)). Ưu điểm và nhược điểm cũng giống y chang cọ rửa mặt, chỉ hơn xíu là pad silicone bền và dễ bảo quản, giữ vệ sinh hơn cọ

5. Konjac Sponge

Là một dụng cụ rửa mặt gần đây rất được ưa chuộng, miếng bọt konjac nổi bật hơn với những ưu điểm sau:
- Chất liệu dịu nhẹ vừa đủ cho da nhạy cảm, nhưng cũng đủ để làm sạch da
- Chất liệu từ sợi thực vật thân thiện với làn da và thân thiện với môi trường
- Dễ dàng sử dụng, có khả năng tự diệt khuẩn
- Một miếng mút konjac có giá chỉ vài chục ngàn, sử dụng được trong vòng 3-4 tháng --> quá tiết kiệm

Mình đã chọn konjac sponge là sản phẩm yêu thích nhất năm vừa qua, các bạn đọc thêm Ở ĐÂY nhé



6. HADA CRIE


Là chiếc máy vừa có chức năng làm sạch sâu, vừa dưỡng da, chống lão hóa thần thánh nổi đình nổi đám suốt năm vừa qua, là mơ ước của biết bao tín đồ skincare. Nhưng nó có thực sự giúp da sạch hơn, đẹp hơn??? Cùng đọc lại review chi tiết của mình trong LINK NÀY nhé



7. Khăn mặt

Mình biết rất nhiều bạn sẽ cười khi mình coi khăn mặt là một dụng cụ làm sạch da, bởi nó quá bình thường, thậm chí tầm thường. Tuy nhiên nó nhỏ mà có võ đấy, nếu bạn chọn được đúng loại khăn phù hợp.

Một chiếc khăn cotton bình thường với bề mặt sợi bông cũng có thể làm sạch da hiệu quả giống như 1 miếng mút rửa mặt nhờ vào ma-sát bề mặt. Nhưng nếu đó là khăn sợi microfiber, sợi mềm và hút nước tốt thì sẽ rất dịu nhẹ với da. Còn nếu muốn tẩy da chết nhẹ nhàng, mình sẽ chọn khăn sữa em bé, chà nhẹ vòng tròn lên da là mọi vết sần, khô sẽ bay biến hết. Mà cả hai lại rất mỏng, nhẹ, giặt rồi phơi là khô ngay, tiện chưa nào? ;)

Hi vọng là bài viết khá dài hôm nay đã chỉ cho bạn một sự thật rằng, không phải ai, hay làn da nào cũng cần/phải đầu tư một dụng cụ làm sạch đắt tiền. Tùy theo điều kiện của từng người mà bạn hãy có lựa chọn thật đúng đắn nhé.



xoxoxoxoxoxoxoxoxoxoxoxoxo

Bánh bèo phù phiếm

Email: banhbeophuphiem@gmail.com
Instagram: @banhbeophuphiem

You Might Also Like

0 nhận xét